Học Viện HR / Blog quản trị / Phát Triển Và Lãnh Đạo Bản Thân

Phát Triển Và Lãnh Đạo Bản Thân

phát triển và lãnh đạo bản thân

1. Xác định mục tiêu và luôn nhắc mình về mục tiêu

Một trong những khác biệt cơ bản của người đạt được thành công và hầu hết mọi người là sự kiên định với mục tiêu. Khi bạn kiên định với mục tiêu, bạn sẽ tạo ra sự thu hút tự nhiên với người khác. 

Bạn có thể nghĩ rất nhiều những thành quả trong tương lai xa như là Giám đốc Nhân sự mức lương 6 con số, hay bạn mong muốn được thừa nhận là người chuyển đổi thành công mô hình quản trị nhân sự .. điều đó rất cần thiết, “hãy để ước mơ dẫn đường bạn sẽ không bao giờ lại lối”. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải tỉnh giấc sau một cơn mơ đẹp của giấc ngủ dài, việc đầu tiên khi bạn tỉnh dậy để bắt đầu ngày mới là gì? Là hành động cụ thể của bạn có phải là ngồi dậy, ra khỏi giường, đi tới nhà tắm và đánh răng rửa mặt phải không? Điều đó cũng tương tự  như cách bạn làm với ước mơ của mình đó là hãy chia nhỏ thành những mục tiêu, điều này rất quan trọng.

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU THEO NGUYÊN TẮC SMART

Bạn đã chắc chắn thành thục về Nguyên tắc S-M-A-R-T trong xác định mục tiêu chưa? Đây là một trong những kiến thức rất cần thiết các bạn chắc chắn cần đến và áp dụng thường xuyên và kết quả cũng sẽ nâng cao rất nhiều đấy.

 S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.

Thường thì khi bắt đầu đặt mục tiêu chúng ta thích đặt những mục tiêu to lớn và khó hình dung như trở thành giám đốc.. Điều này sẽ hạn chế khả năng đạt được mục tiêu của bạn. Thay vì mơ hồ như vậy bạn thử đặt mục tiêu của mình thật rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu để có thể hình dung ra. Ví dụ như bạn sẽ hoàn thành tuyển dụng 100 vị trí trong quý tới, bạn giảm thời gian tính lương từ 3 ngày xuống 2 ngày. Càng cụ thể càng dễ hiểu thì vừa thuyết phục bạn và tất cả mọi người. Bạn vui vì hoàn thành mục tiêu, mọi người ghi nhận thành quả của bạn. 

M – Measurable : Đo lường được

“Mục tiêu đó phải đo lường được” – khi bạn đặt mục tiêu bạn biết được mục tiêu của mình có đo lường được hay không, có con số cụ thể để bạn có thể đánh giá được kết quả của nó trên những con số đo lường này.

Ví như bạn đặt ra cho mình mục tiêu bạn sẽ dành ra 1 tiếng mỗi ngày để đọc và tìm kiếm các cách viết thông điệp tuyển dụng, 1 buổi mỗi tháng để kết nối với các trường đại học và mỗi tuần tìm kiếm được ít nhất 1 từ khóa hot trend để tìm kiếm…Đó là cách để bạn hoàn thành mục tiêu của mình nhanh nhất. Và bạn có thể đo lường được hiệu quả mỗi ngày/mỗi tuần/tháng.

A – Attainable : Có thể đạt được

Ngoài việc phải cụ thể và đo lường được thì nó phải nằm trong khả năng của bạn, bởi với một mục tiêu cao quá có thể làm cho bạn mệt mỏi và chán nản khi không đạt được điều đó. Những không phải vì thế mà không đặt ra những mục tiêu cao – Bạn sẽ chia nhỏ giai đoạn và đặt cho mình nhiều mục tiêu nhỏ – từng bước vượt qua nó để đạt được mục tiêu cao như ban đầu đã đề ra. Chính vì thế bạn hãy đặt mục tiêu vừa với khả năng và tiềm lực của bạn. 

R – Relevant : Thực tế

Mỗi mục tiêu đều phải hướng tới 1 mục tiêu – mục đích chung – Liên quan đến tầm nhìn chung – đó là liên quan đến mục tiêu dài hạn của bạn.

Ví như bạn có thể đặt những mục tiêu nhỏ như học nghe nói tiếng Anh 15 phút/ngày để có thể phỏng vấn ứng viên nước ngoài chứ không phải là học phần mềm thiết kế, nếu không liên quan tới mục tiêu dài hạn trong nghề của bạn. Dành thời gian cho những mục tiêu cụ thể thì sẽ hiệu quả hơn – Điều này sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình nhanh hơn.

T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành

Đặt gia những thời gian, thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu – bạn hãy giới hạn cho mục tiêu của mình trong thời gian là bao lâu ví dụ như trong 1 tháng, 1 năm hay lâu hơn một chút…. bằng cách này chúng ta sẽ hoàn thành nhanh hơn và có kỷ luật hơn để hoàn thành mọi việc đúng hạn. Những mục tiêu lớn hãy chia nhỏ để hoàn thành dễ dàng hơn. 

smart

 

Bạn hãy ghi nhớ để áp dụng cho những mục tiêu quan trọng  mình.

Khi bạn bắt đầu một việc mới mẻ, có nhiều nguồn lực lôi kéo bạn theo nhiều hướng khác nhau. Có những việc bạn có thể làm, những việc bạn muốn làm và những việc bạn phải làm. Những việc bạn phải làm là nơi mà bạn nên bắt đầu. Hãy bắt đầu từ ngay việc “phải” như là điểm bắt đầu để từ đó tiến dần về mục tiêu. 

Và bạn có biết một câu nói mà CT Tập đoàn Vingroup thường hay nói “Không ai muốn làm cả cho đến khi bị bắt phải làm, kể cả tôi” – vậy nên, bạn hãy tự tạo áp lực cho mình về những điều bắt buộc phải làm, phải thay đổi. Bởi chỉ có vậy, bạn mới kiên định đi đúng được con đường mình đã chọn cho mục tiêu của mình.

2. Thôi làm những việc không hiệu quả 

Đôi khi chúng ta hay được tán dương là người “rất trách nhiệm” và cũng thán phục người khác khi thấy làm việc thâu đêm hay nghỉ ngủ tại văn phòng. Hình tượng đó được xem là biểu hiện của xả thân vì sự nghiệp..nhưng từ trải nghiệm thực tế chân thành mà nói tôi thấy đó là một trong những điều xuẩn ngốc nhất, vì tôi đã từng là người như thế. Làm việc nhiều hơn không có nghĩa là hoàn tất được nhiều việc hơn, mà đơn giản là “làm nhiều thời giờ” hơn thôi. 

Và có thể chúng ta – những người nghiện việc – sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là thật sự giải quyết được việc, bởi cách làm việc như thế sẽ không thể tồn tại lâu qua thời gian và đến khi kiệt sức thì tổn hại chính bạn phải nhận là rất lớn. 

Những người tham công tiếc việc cũng thường không nắm được cốt lõi vấn đề, cố gắng giải quyết bằng cách bỏ thêm thật nhiều thời gian.. và điều này sẽ dẫn tới những giải pháp và biện pháp thiếu thông minh. Thậm chí có thể tạo ra một sự khủng hoảng. Thay vì bạn làm việc hiệu quả trong giờ (để dành thời gian nghỉ ngơi, trau dồi tri thức.. ) thì bạn dường như “thích” làm việc ngoài giờ. Bạn cũng vô tình khiến đồng nghiệp, người khác cảm thấy không ở lại làm việc trở thành người có lỗi, cảm giác ngại và sụt giảm tinh thần. 

Nếu bạn còn duy trì thói quen này thì sẽ khiến bạn khó có được bộ óc tinh tường sáng suốt. Các quyết định của bạn dần sẽ trở nên lối mòn và giải quyết sự vụ. Bạn không còn khả năng phân biệt ra quyết định theo thứ tự ưu tiên và dần dần tinh thần của bạn sẽ tuột dốc.. thậm chí hậu quả lâu dài là bạn mất niềm tin vào bản thân bởi vì công sức bạn bỏ ra rất nhiều nhưng thành quả lại quá ít. 

Nên tham công tiếc việc rồi sẽ khiến bạn đạt được kết quả ít hơn người làm việc thông thường. Nếu chìm ngập trong công việc còn khiến bạn dễ tự ảo tưởng tự mãn nghĩ mình là người có công, người hoàn hảo và có xu hướng đánh giá thấp hoặc không thừa nhận đóng góp của người khác. Trong khi mọi người trình bày các ý tưởng mới thì bạn sẽ lại chú ý các tiểu tiết các chi tiết vụn vặt và sa lầy trong các công việc đó. 

Đã tới lúc chấm dứt sự xuẩn ngốc này, trước tiên chúng ta cần đứng lên đúng giờ, nghiêm túc kỷ luật với thói quen cũ và tính ỳ của bản thân. Hãy tự nhủ với mình là ta cần một tri thức mới, một thói quen mới để tạo ra một kết quả mới. Trước khi tạo ra sự thay đổi lớn mà đồng nghiệp, người khác thừa nhận thì bạn cần tạo ra những thay đổi nhỏ từ trong chính bản thân mình, chinh phục mình bằng những thay đổi nhỏ nhất. 

3. Loại bỏ những điều không cần thiết

Để làm việc lớn trước tiên bạn cần bắt đầu thật cẩn trọng và chắc chắn với những công việc nhỏ, thay đổi nhỏ được hoàn hảo và ổn định. Thành công không phải là đích đến mà là quá trình bạn đi trên đường và có những thành quả nhỏ tích lũy đều đặn theo thời gian – đó là sự khác biệt mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu. 

Bạn tạo ra sự khác biệt, dấu ấn không có nghĩa là bạn phải tìm ra một cách mới hoàn toàn hay một cải tiến đột phá để có thể chiêu mời về hàng chục lãnh đạo người tài, hay phải là một ý tưởng xuất sắc trong việc giải quyết chính sách phúc lợi đang có hàng loạt vấn đề.. không cần phải vậy. Chỉ cần bạn nỗ lực và thấy nỗ lực của mình tạo ra giá trị. 

Để có thể gia tăng niềm tin bản thân thuyết phục chính mình, bạn có thể bắt đầu với những câu hỏi để loại trừ đi những việc bạn đang làm mà có thể không thực sự tạo ra giá trị:

  • Tôi có thực sự cần hai tiếng để hoàn thành báo cáo này không?
  • Tôi có thực sự cần đến bốn tháng để hoàn thành dự án này hay chỉ cần tối đa bốn mươi lăm ngày? 
  • Tôi có thật sự cần trả tiền để tuyển thêm công tác việc hỗ trợ không? 
  • Tôi có thật sự cần tìm kiếm cả trăm hồ sơ mới lọc được vài hồ sơ ưng ý không?
  • Tôi có thật sự cần về muộn hơn 2 tiếng để làm việc này không?
  • Dần dần bạn sẽ nhận ra đâu là việc làm tạo ra giá trị thực sự và bộ óc rất thông minh của bạn sẽ không lặp lại các hoạt động vô giá trị hoặc kém giá trị nữa.

Bạn cũng hỏi là “tại sao bạn cần đặt các câu hỏi này” có phải không? Câu trả lời rằng nếu chúng ta muốn tạo ra thành công lớn là chuỗi các kết quả thành quả giá trị và nếu chuỗi các hoạt động tạo ra giá trị đều đặn sẽ dẫn tới thành quả vượt trội thì chúng ta cần thông minh hơn trong công việc. 

Trong một buổi hội thảo cách đây 3 năm có một bạn khi đó mới bắt đầu vào lĩnh vực HRBP chia sẻ với tôi rằng “Em muốn trở thành HRBP Manager trong 3 năm tới”. Tôi bảo “rất tốt, em hãy bắt đầu bằng việc hỗ trợ thật trọn vẹn cho các bạn nhân viên kinh doanh hội nhập Công ty”. Bạn ấy bảo với tôi rằng rất muốn làm những việc có ý nghĩa hơn tạo ra giá trị lớn hơn như là đánh giá hiệu suất lao động cả khối, tư vấn phát triển cho các Trưởng phòng kinh doanh lộ trình phát triển thành Giám đốc kinh doanh.. Bạn có thể làm được tất cả những việc đó mà không có khó khăn gì trong vài tháng tới, nhưng hãy bắt đầu thực tế từ những công việc những gì ngay bên cạnh bạn và tạo ra giá trị cụ thể. Sau đó bạn đã hỗ trợ cho rất nhiều nhân viên kinh doanh được hội nhập và trở thành chính thức và bạn ấy rất vui khi mình được đánh giá là một trong những HRBP nổi bật. Sau đó cũng có bạn đã trở thành trưởng phòng kinh doanh sau một năm và bạn cũng trở thành HRBP Manager sau gần hai năm, nhanh hơn cả chính bạn đã mong muốn”. 

“Nếu muốn là vợ sĩ quan thì hãy yêu bình nhì” – Bạn muốn trở thành một ai đó, có một vị trí nào đó, hãy bắt đầu bằng việc, hiểu rõ năng lực của mình, năng lực của vị trí mình đang hướng tới, tìm ra những khoảng cách giữa thực tế và những gì cần trong tương lai, từ đó nâng cấp bản thân mỗi ngày. Sẽ không có gì thay đổi nếu bạn cứ đứng im. Hãy đi, chạy hoặc có thể sử dụng bất kỳ phương tiện hỗ trợ nào – có như vậy, bạn mới tiến được đến đích mình mong muốn. 

Trích: 7 Bí Quyết Chạm Đỉnh Cao Nghề Nhân Sự – Tác giả: Hồng Duyên

Mua sách: 7 Bí Quyết Chạm Đỉnh Cao Nghề Nhân Sự – Tác giả: Hồng Duyên