Rất nhiều bạn nhân sự đã hỏi tôi rằng, công ty em nhỏ quá, có thể nói là siêu nhỏ, học những thứ kiến thức to tát sẽ không áp dụng được và cũng không biết để làm gì?
- Bạn có chắc chắn trong cuộc đời làm việc của mình chỉ dừng chân lại những công ty nhỏ?
- Bạn có chắc chắn được việc là công ty nhỏ của bạn chẳng mấy chốc sẽ trở thành một công ty rất lớn mạnh trong tương lai?
- Bạn có biết rằng kiến thức và khả năng đến đâu bạn sẽ được tiếp nhận công việc ở đó?
Ở một tập đoàn, có một quy luật dường như bất thành văn là các trưởng phòng nhân sự ở các công ty con rất khó lên vị trí giám đốc nhân sự, lý do là: không đủ tầm. Khi cần giám đốc nhân sự cho vị trí trống, công ty sẽ đi tìm kiếm ở thị trường bên ngoài. Vì vậy, có những trưởng phòng nhân sự rất sắc sảo, rất có khả năng làm việc, thấu hiểu doanh nghiệp do có thời gian làm việc 5 đến 10 năm rồi nhưng vẫn không thể lên được vị trí mới. Đơn giản vì công việc hàng ngày của mọi người quay cuồng trong vận hành, xử lý những công việc sự vụ. Khi nhắc đến họ là nhắc đến khả năng xử lý công việc hành chính nhân sự tuyệt vời nhưng lại thiếu đi khả năng tổng quan, khái quát và tầm nhìn, tư duy chiến lược. Vậy nên, nếu cứ tiếp tục như vậy, không học hỏi bổ sung thêm kiến thức từ bên ngoài, không thay đổi tư duy và tạo dựng những hệ thống kết nối rộng rãi hơn từ bên ngoài để nâng cấp bản thân, có thể họ sẽ mãi dừng chân ở một vị trí trong hệ thống. Trừ khi họ sẵn sàng chấp nhận thách thức, chuyển đổi ra các doanh nghiệp khác ngoài tập đoàn, lúc đó họ mới có những thay đổi khác biệt.
Vậy nên, dù bạn có đang làm ở doanh nghiệp nhỏ đến đâu, bạn vẫn đang là một người làm quản trị nhân sự, và bạn hoàn toàn có khả năng làm tất cả các chức năng của quản trị nhân sự. Và nhiều khi tôi cũng khuyên các bạn rằng, đó là cơ hội tuyệt vời để các bạn có thể ứng dụng những kiến thức mới, kỹ năng mới vào trong công việc. Bởi lẽ nếu các bạn ở trong một tập đoàn hay một doanh nghiệp họ hoàn toàn hiểu giá trị của quản trị nhân sự, sẵn sàng đầu tư & sẵn sàng chấp nhận những thử nghiệm thay đổi mới thì có thể bạn sẽ chỉ là người đi làm, làm theo hoặc nhận một phần nhỏ nhiệm vụ bởi tất cả đã được một nhà “chỉ huy” đại tài điều binh khiển tướng. Còn ở đây, bạn được là chủ mọi ý tưởng và mọi hành động nhưng với nguồn ngân sách ngặt nghèo hoặc thậm chí là không có. Những gì xuất sắc nhất của bạn sẽ được thể hiện trong những giai đoạn như vậy và đó cũng là thời điểm bạn bộc lộ được hết những giá trị của mình.
Như vậy có thể nói dù môi trường làm việc có hạn chế về đầu tư và cơ hội phát triển, chúng ta sẽ khám phá những cách để vượt qua những rào cản đó và xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc. Và sau đây là một số gợi ý:
- Khám phá những nguồn tài liệu đa dạng: Dù công ty nhỏ, thế giới học tập vẫn mênh mông. Hãy tìm kiếm và khám phá các nguồn tài liệu đa dạng như sách, bài viết, nghiên cứu và bài báo trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Sử dụng công nghệ và internet để tiếp cận các khóa học trực tuyến, diễn đàn chuyên ngành và các nguồn tài liệu miễn phí. Điều này giúp bạn tiếp cận kiến thức từ những nguồn đa dạng và bổ sung cho sự nghiên cứu của mình.
- Xây dựng mạng lưới liên kết: Mạng lưới xã hội không chỉ là nơi để kết nối với bạn bè và đồng nghiệp, mà còn là một nguồn thông tin quý giá. Hãy tham gia vào các nhóm, cộng đồng và diễn đàn chuyên ngành để tìm kiếm cơ hội học hỏi từ những người có kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức của bạn. Xây dựng mối quan hệ với những người cùng sở thích và cùng lĩnh vực, và chia sẻ kiến thức, ý tưởng và thảo luận để phát triển bản thân.
- Tận dụng cơ hội học trong công việc: Dù công ty nhỏ, bạn vẫn có thể tận dụng các cơ hội học tập có sẵn trong công việc hàng ngày. Tham gia vào các dự án mới, đề xuất cải tiến và nhận nhiệm vụ thách thức để mở rộng kỹ năng và kiến thức của bạn
- Tạo môi trường học tập nội bộ: Dù công ty nhỏ, bạn có thể đề xuất và tạo ra một môi trường học tập nội bộ. Thử đề xuất việc tổ chức buổi chia sẻ kiến thức hoặc các buổi hội thảo nhỏ trong công ty để mọi người có thể chia sẻ và học hỏi từ nhau. Điều này không chỉ giúp bạn mở rộng kiến thức mà còn tạo động lực cho những người khác trong công ty.
- Tìm kiếm cơ hội học từ bên ngoài: Ngoài công ty, hãy tìm kiếm cơ hội học hỏi từ bên ngoài. Có thể tham gia các khóa đào tạo, hội thảo và sự kiện ngành nhân sự. Dù công ty không có nguồn lực đầu tư, bạn có thể tìm kiếm các khóa học trực tuyến miễn phí, nguồn tài liệu trực tuyến và cộng đồng học tập trực tuyến để cập nhật kiến thức và mở rộng mạng lưới quan hệ.
- Tìm mentor: Tìm kiếm một người có kinh nghiệm và đam mê trong lĩnh vực quản trị nhân sự để trở thành mentor của bạn. Mentor sẽ cung cấp hướng dẫn, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm của mình. Một mentor có thể giúp bạn phát triển kiến thức và kỹ năng chuyên môn cũng như hướng dẫn bạn về sự nghiệp và phát triển cá nhân.
- Tự học và áp dụng kiến thức: Điều quan trọng nhất là sự tự học và áp dụng kiến thức đã học vào công việc hàng ngày. Hãy luôn giữ tinh thần học hỏi và tìm kiếm cách áp dụng những kiến thức mới vào công việc của bạn. Bạn có thể đề xuất các cải tiến, áp dụng những phương pháp mới và thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc và phát triển bản thân.
Hạnh là trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi bạn gặp tôi, bạn luôn băn khoăn với việc muốn phát triển bản thân hơn nữa, bạn muốn chuyển đổi để trở thành một giảng viên đào tạo hoặc một chuyên gia tư vấn quản trị hệ thống. Bạn luôn khao khát học hỏi và mong muốn có nhiều cơ hội hơn nữa để được làm trong các tập đoàn lớn, được chuyển đổi bản thân sang một vai trò và ở quy mô lớn hơn. Vậy nên ngoài việc tham gia học khóa thạc sĩ về Quản trị nhân sự tại trường đại học, bạn tham gia rất nhiều hội nhóm, các chương trình đào tạo ở bên ngoài cũng như lên kế hoạch đưa những kiến thức mới đó vào ứng dụng trực tiếp trong doanh nghiệp của mình. Có lẽ, với tôi, bạn sẽ là người sớm đạt được các mục tiêu của bản thân mình bởi khi bạn có đủ kiến thức, trải nghiệm, khi có cơ hội đến bạn sẽ có đầy đủ điều kiện để tiếp nhận cũng như tạo nên những giá trị mới.
Tóm lại, dù làm việc trong công ty nhỏ, bạn vẫn có thể bồi đắp kiến thức chuyên nghiệp và phát triển trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Quan trọng nhất là bạn có thực sự muốn và bạn có sẵn sàng để làm điều đó.
Trích: cuốn sách “7 bí quyết chạm đỉnh cao nghề nhân sự”
>> Mua sách về Quản Trị Nhân Sự của tác giả Hồng Duyên