Học Viện HR / Blog quản trị / Quản Trị Nhân Sự Bình An – Cân Bằng Cảm Xúc

Quản Trị Nhân Sự Bình An – Cân Bằng Cảm Xúc

Chúng ta liệu có cân bằng được cảm xúc?

Cảm xúc là trạng thái tâm lý phức tạp và đa chiều, mà chúng ta trải nghiệm trong tương tác với thế giới xung quanh. Những cảm xúc này phản ánh sự đánh giá của chúng ta về các sự kiện và tình huống trong môi trường xung quanh. Như lý thuyết về não bộ ở trên, cảm xúc được sinh ra khi thông tin đi đến tầng thứ 2, hệ limbic, ở đó đã có những bài học từ quá khứ để khiến họ có những cảm xúc như hiện tại.

Nhìn từ khía cạnh tâm lý học, cảm xúc có thể được chia thành hai loại chính là cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực bao gồm niềm vui, hạnh phúc và động lực, trong khi cảm xúc tiêu cực bao gồm sự tức giận, buồn bã và lo lắng.

Cảm xúc không chỉ là trạng thái tâm lý tạm thời mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy và hành vi của chúng ta. Những cảm xúc tiêu cực có thể khiến chúng ta mất tự chủ và khó kiểm soát hành động. Tuy nhiên, việc học cách điều tiết cảm xúc và chuyển hướng chúng sang cảm xúc tích cực là một kỹ năng quan trọng trong việc phát triển tâm lý cũng như tạo mối quan hệ tốt với người khác.

Trong quá trình rèn luyện và phát triển trí tuệ cảm xúc, việc nhận thức và hiểu rõ cảm xúc của chính mình là vô cùng quan trọng. Bằng cách tập trung vào chánh niệm và giữ được sự tĩnh tâm, chúng ta có thể nhận biết rõ những cảm xúc và cảm giác trong cơ thể mình. Điều này giúp chúng ta điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả.

cân bằng cảm xúc

Một vài phương pháp có thể giúp chúng ta cân bằng cảm xúc:

Thứ nhất: Kiểm tra cảm xúc và kỳ vọng

Ngồi xuống với một cuốn lịch và tự hỏi bản thân bạn đã cảm thấy thế nào trong vài tuần qua – chán nản, lo lắng, vui vẻ, tức giận? Bạn có vẻ buồn chán và thờ ơ hay hưng phấn một cách bất thường? Nếu có, bạn có thể thấy một lý do chính đáng cho nó? Những câu hỏi có vẻ hiển nhiên, nhưng nếu bạn không hỏi chúng, bạn sẽ không biết vấn đề nằm ở đâu.

Tiếp theo hãy kiểm tra kỳ vọng của bạn. Sai lầm lớn mà mọi người mắc phải là nhầm lẫn giữa sự cân bằng cảm xúc với hạnh phúc. Một cuộc sống bình thường có nghĩa là cảm thấy hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra, cả niềm vui và nỗi buồn. Vì vậy, không nên áp đặt rằng mọi thứ phải hoàn hảo thì mới là cân bằng. Và càng kỳ vọng nhiều thì khi không đạt, thất vọng càng lớn và cảm xúc tiêu  cực càng tăng. Vậy nên có nhiều lý thuyết nói rằng không cần thiết cân bằng cảm xúc mà học cách chấp nhận sự trồi sụt của cảm xúc theo những tác động của bên ngoài.

Thứ hai: Phá vỡ niềm tin giới hạn

Bước tiếp theo của tư duy đa chiều (như đã nói ở trên), thay đổi niềm tin cũ bằng cách suy nghĩ mới hoặc sự sáng tạo mới (giống như ta thừa nhận rằng số 6 thật đặc biệt, nhìn ngược và xuôi ra 2 số khác nhau hay con voi thực ra có vòi, có chân, có đuôi, có thân mình… mỗi thứ hình dạng khác nhau). Niềm tin giới hạn là những thứ chi phối các quyết định của chúng ta do những thứ đã ghim ở trong não mà chúng ta tự đóng lên hoặc do người khác đóng vào ví như những câu: tôi không đủ tốt, tôi không đủ giỏi, tôi không có khả năng làm việc này, tôi không đáng sống… hoặc thậm chí là những câu mắng mỏ từ bé là ngu, không được tích sự gì…

Một cô bạn của tôi đã kể câu chuyện về việc bạn không dám hợp tác với ai dù rằng có rất nhiều lời đề nghị, lý do và các bạn trong lớp, thầy cô luôn nhìn bạn với ánh mắt “bạn không xứng đáng ngồi ở đây” rồi đi học đại học, đi làm, bạn luôn cảm nhận được nỗi sợ không xứng đáng, sợ mọi người sẽ phát hiện ra rằng bạn không đủ tốt. Nỗi ám ảnh đó với niềm tin giới hạn là “mình không xứng đáng, mình không đủ tốt” nếu không được phá vỡ, sẽ khiến bạn không thể bước xa hơn trên chặng đường phát triển.

Thứ ba: Yêu thương bản thân mình

Quá nhiều người ngoài kia đang miệt mài lao vào guồng quay cuộc sống, bán sức khỏe để kiếm tiền, đến ngày lấy tiền để mua sức khỏe mà vẫn không thể mua được. Hay thậm chí không phải vì tiền mà lại vì mọi người, vì muốn chứng minh cho cuộc đời tôi là con người toàn năng, việc gì cũng có thể làm được.

Nhưng rõ ràng, khi ta mạnh khoẻ, ta muốn mọi thứ, làm được mọi thứ còn đau, mệt mỏi, ta chỉ mong muốn 1 thứ duy nhất là sức khoẻ. Và khi chúng ta ốm, mọi thứ thật chông chênh, cảm xúc như muốn vỡ vụn, luôn không vừa ý với mọi hành động của những người khoẻ mạnh khác… Rất ít người có thể chỉ dùng tinh thần để hoá giải được nỗi đau thể xác. Vì vậy, điều quan trọng nhất giữ cho mình có sức khoẻ về thể xác, từ đó sẽ tạo năng lượng cho sức khoẻ về tinh thần.

Thứ tư: Hít thở sâu vài nhịp, không xử lý vấn đề khi nóng giận

Ở những tình huống khó khăn khiến cảm xúc của chúng ta dần trở nên tiêu cực, thay vì phản ứng ngay lập tức, hãy cho bản thân một chút thời gian để xử lý thông tin sự việc vừa xảy ra. Đó là khoảng Ngưng: giải cứu cảm xúc bằng hơi thở. Tách ra xa khỏi nguồn gây cảm xúc mạnh, không hành động, nói năng khi có cảm xúc mạnh.

Rất nhiều khóa đào tạo đã dạy chúng ta rằng hãy kiểm soát cảm xúc để trở lại trạng thái cân bằng bằng cách thả lỏng người và hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Đừng quên quan sát và cảm nhận xem căng thẳng xuất phát từ đâu thì hãy thả lỏng cơ thể ở điểm đó, chúng ta có thể học thiền, yoga cũng như tổ chức sắp xếp những gì mang lại cho bạn niềm vui và những gì làm.

Thứ năm: Nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực

Nếu tâm trí của chúng ta luôn hướng đến việc ta đã bị đối xử tệ như thế nào hoặc mọi thứ khủng khiếp ra sao, hãy thử tìm cách chuyển hướng suy nghĩ của bản thân. Thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng góc độ nhìn nhận thú vị hơn, khám phá những điều mới lạ ở đó, tiếp cận những thách thức trong cuộc sống với một cái nhìn đa chiều và cởi mở.

Bạn thử đặt câu hỏi và trả lời: điều tốt đẹp nhất mình nhận được trong tình huống này là gì? Nó có xứng đáng với trải nghiệm mình vừa trải qua không? Một cô bạn của tôi luôn phàn nàn về việc hôm nào chồng về sớm, mà cô ấy không có nhà là dường như không bao giờ chồng cô làm việc nhà, và thế rồi lúc cô về nhà, nhìn mọi thứ không được như kỳ vọng cô bắt đầu kêu ca, càm ràm, mắng chồng.

Tôi có hỏi cô rằng thường thì tình huống nào chồng cô sẽ làm việc nhà? Cô nói là nếu cô nói cụ thể rõ ràng là làm việc A, việc B, việc C thì chồng sẽ làm, còn nếu nói là anh về sớm thì dọn dẹp nhà và nấu cơm đi thì dường như anh không làm gì cả. Anh thấy nhà sạch sẽ, gọn gàng, cần gì phải dọn; anh không biết nấu đồ ăn gì cả nên đợi vợ về rồi cả nhà đi ăn tiệm cũng được.

Như vậy, góc nhìn của hai người khác nhau, một người nhìn thấy nhà như vậy là bẩn và một người coi đó là bình thường, một người có thể chủ động sắp xếp, nấu nướng với các nguyên liệu ở trong tủ, một người phải chỉ rõ rằng nấu món gì, lấy ở đâu ra. Không có ai bị coi là lười, không biết việc ở đây mà chỉ là cách thức chúng ta giải quyết vấn đề cần thay đổi.

Thay vì càm ràm, mắng mỏ bằng một cú điện thoại hoặc một tin nhắn chi tiết hơn, thay vì việc nhất quyết phải ăn cơm nhà thì hãy thả lỏng một vài lần để đi ăn tiệm. Có một câu nói là “Hãy nhìn vào tâm mình. Người mang vật nặng chẳng thấy gì, nhưng người ngoài nhìn vào thấy nặng. Vứt bỏ mọi vật, buông bỏ tất cả, bạn sẽ nhẹ nhõm”. Vậy nên khi bạn hiểu điều này và thay đổi chính mình, dường như bạn thấy vui hơn, hạnh phúc hơn và gia đình bạn cũng thấy yên bình hơn. Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng, cũng không có nghĩa là ta sẽ bỏ qua những điều tồi tệ. Thay vào đó, ta sẽ tiếp nhận sự khó chịu theo cách tích cực và hiệu quả hơn.

Hãy thử nghĩ về sự cân bằng cảm xúc như làm chủ một ván lướt sóng – mài giũa khả năng đón những đợt sóng liên tiếp nhất của cuộc sống mà không bị vùi dập hoặc nếu có chúng ta sẽ lại đứng lên, để rồi đến lúc chúng ta sẽ bắt những con sóng tốt và cưỡi chúng đến tận bờ, tận hưởng từng cú văng cuối cùng, cảm nhận sự hạnh phúc trước những gì mình trải qua và rồi sẵn sàng đón nhận hoặc tìm đến những thách thức mới. Chúc các bạn luôn tận hướng cuộc sống và công việc với sự bình an trong tâm hồn, nhiệt huyết trong trái tim, sự rõ ràng trong trí óc và sự quyết tâm trong hành động – để có thể vượt qua mọi khó khăn, đạt được các mục tiêu lớn của mình!